“Bỏ túi” kinh nghiệm đi Bình Liêu tự túc chi tiết nhất 2024
Bạn muốn đi du ngoạn đến Bình Liêu nhưng lại chưa có đủ kinh nghiệm và thông tin cần thiết? Đừng lo, theo chân bài viết dưới đây, AZCruise sẽ bật mí giúp bạn chuyến du lịch ở Bình Liêu tự túc chi tiết nhất 2024 nhé!
1. Điểm du lịch Bình Liêu ở đâu?
Bình Liêu – cái tên mới nghe thoáng qua nhiều người nghĩ chắc chỉ là một vùng đất xa xôi, hẻo lánh nào đấy. Bình Liêu hiện nay chưa phải là điểm du lịch quá nổi tiếng như ở Hạ Long. Tọa lạc tại một huyện nằm ở cửa ngõ phía đông của Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 108km, Hà Nội khá xa 270km. Du lịch đến Bình Liêu sẽ thích hợp với những du khách yêu thích sự bình yên, muốn khám phá và trải nghiệm nhiều thứ mới lạ.
2. Nên đi du lịch Bình Liêu vào thời gian nào?
Không ồn ào, náo nhiệt hay mang vẻ đẹp của “sông nước” như Vịnh Hạ Long. Du khách khi ghé thăm Bình Liêu hoàn toàn bị “đốn tim” bởi cảnh núi non hùng vĩ vừa đẹp vừa trữ tình, khiến cho bất kỳ ai đã đến đều muốn quay lại thêm lần nữa. Vậy nên đến Bình Liêu vào thời gian nào thì hợp lý? Để ngắm được vẻ đẹp từ thiên nhiên ban tặng cho Bình Liêu, du khách nên ghé thăm vào các thời điểm sau:
2.1. Mùa xuân – Các lễ hội đặc sắc
Thông thường, các lễ hội ở Bình Liêu sẽ tổ chức vào dịp đầu năm, thời gian này không khí vô cùng náo nhiệt. Các lễ hội mà du khách nhất định phải trải nghiệm thử như:
- Hội Đình Lục Nà: diễn ra vào ngày 16-18 của tháng Giêng.
- Hội hát Soóng Cọ giao duyên: diễn ra vào ngày 13/3 âm lịch.
- Lễ hội Kiêng Gió: diễn ra ngày 4/4 âm lịch
- Lễ hội mừng cơm mới tại Bình Liêu: diễn ra vào tháng 10 âm lịch mỗi năm.
Lễ hội mùa xuân đặc sắc
Tất cả lễ hội trên diễn ra với quy mô lớn và rất đặc sắc, sự hối hả, chen lấn của dòng người lẫn vào đó là không khí mang nét đặc trưng riêng của mỗi lễ hội. Sẽ khiến cho bạn chỉ muốn ” đắm chìm” mình vào với không gian nơi này.
2.2. Mùa hoa đua sắc
Nếu du khách muốn ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây thì nên đi du lịch đến Bình Liêu vào thời điểm những cánh hoa đua nhau khoe sắc.
2.3. Mùa hoa trẩu
Bạn sẽ bắt gặp hoa trẩu đang khoác lên mình tấm áo trắng muốt, điểm thêm một chút đỏ ở nhụy hoa khiến cho du khách sẽ đắm chìm vào khung cảnh ngập tràn vẻ đẹp thơ mộng này. Hoa trẩu không chỉ là nét đặc trưng của vùng núi này, mà chúng còn mang một ý nghĩa riêng đối với người dân Bình Liêu ở đây. Người dân sống ở Bình Liêu trồng trẩu chủ yếu để lấy gỗ rồi đem bán sinh sống. Ngay cả hạt và vỏ của cũng được tận dụng làm thuốc, chữa được nhiều bệnh như sâu răng, đau nhức, mụn nhọt… Cây trẩu còn có nhiều tên gọi khác như thiên niên đồng, trẩu cao, dầu sơn…
Hoa trẩu sẽ bung sắc trắng từ tháng 3 kéo dài tới tháng 5. Nếu đến vào thời gian này, bạn sẽ bắt gặp cả vườn hoa trẩu nở rộ khắp bản làng. Và cũng đừng quên ghé qua xã Lục Hồn, Đồng Tâm, các cung đường liên xã hay đi dạt theo hướng Tây để lưu lại những tấm hình đẹp nhất cho mình nhé!
Nhắc đến Bình Liêu, không thể bỏ quên mùa hoa trẩu
2.4. Mùa lúa chín ở Bình Liêu
Mùa lúa chín của Bình Liêu tuy không đẹp đến “hút hồn” và rộng ngút tầm mắt như ở các ruộng bậc thang tại Sơn La hay Hòa Bình. Nét đẹp của mùa lúa chín ở Bình Liêu mang một cái gì đó rất đặc biệt, cảm giác vừa tươi mát vừa yên ả đến kỳ lạ. Du khách dễ bị xiêu lòng bởi hình ảnh những thửa ruộng bậc thang được phủ cả một vùng trời màu vàng tươi, trải rộng và dài xuống đến tận thung lũng hay xen lẫn theo sườn đồi uốn quanh co.
Ở Bình Liêu có 2 mùa lúa chín: tháng 7 và cuối tháng 10. Các địa điểm mà bạn dễ dàng ngắm được vẻ đẹp của mùa lúa chín: bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Bạt nằm ở sườn Tây núi Xiêm hay núi Phiêng Chè dọc theo sườn Nam tại bản Sông Moóc, Khe Tiền thuộc xã Đồng Văn. Du khách cũng sẽ được bắt gặp hình ảnh người dân nơi đây đang say thu hoạch vụ mùa.
Mùa lúa chín ở Bình Liêu
2.5. Mùa cỏ lau
Tháng 10-11 là thời điểm cỏ lau nở rộ, đẹp như mơ với màu trắng trải khắp bản làng. Du khách muốn ngắm nhìn bức tranh tuyệt đẹp này có thể vi vu trên chiếc xe gắn máy hay tản bộ cùng người thân, bạn bè hoặc người yêu. Cánh đồng cỏ lau thường sẽ mọc tại các tuyến đường chạy thẳng tới các cột mốc như 1300, 1302 hay 1305 (cột mốc nằm trên đỉnh núi cao nhất ở Bình Liêu). Để cảm nhận được vẻ đẹp của mùa cỏ lau tuyệt đẹp này, xách balo lên và đến tận hưởng ngay thôi nhé!
Mùa cỏ lau nở đẹp đến nao lòng
3. Các điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Bình Liêu Quảng Ninh
Du hí tới Bình Liêu, du khách không nên bỏ lỡ các điểm tham quan hấp dẫn và đầy thú vị dưới đây:
3.1. Núi Cao Xiêm
Núi Cao Xiêm có độ cao là 1429 mét so với mực nước biển, mang cho mình vẻ đẹp hoang sơ và được ví như “Vạn Lý Trường Thành” thu nhỏ lại. Du khách đến với núi Cao Xiên đều muốn chinh phục chặng đường hiểm trở này. Con đường mòn dài khoảng 7km rất nguy hiểm nhưng rất nhiều du khách muốn trải nghiệm để thử sức bản thân cũng như check in được đỉnh của núi Cao Xiêm.
Bạn chỉ cần tìm đến bản Ngàn Mèo rồi gửi xe ở đây, sau đó bắt đầu đi bộ để leo lên núi. Từ độ cao 1000 mét trở lên, khí hậu sẽ có sự thay đổi rõ rệt, nhiệt độ xuống thấp và vào những ngày âm u thường sẽ có sương mờ. Ở đỉnh núi Cao Xiêm, bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ vì sự xuất hiện của những bức tường đá, chúng nằm dọc theo những dãy núi. Nếu muốn thử sức mình cho chuyến đi này, bạn cần chuẩn bị một tinh thần tốt và sự kiên trì để đạt được mục tiêu như ý.
3.2. Bản làng cổ Bình Liêu
Ẩn mình giữa núi rừng của Bình Liêu – bản làng cổ còn được du khách ưu ái đặt cho cái tên “phố cổ Hội An” thu nhỏ. Sở dĩ nơi này được du khách biết đến và trở nên nổi tiếng vì vẻ đẹp, sự tinh hoa của người dân tộc Tày mang một nét đẹp cổ xưa đặc trưng. Bên cạnh đó, những ngôi nhà ở bản làng cổ trông giống như phiên bản khác của Hội An khi nhìn từ xa vậy.
Bản làng cổ ở Bình Liêu được nằm ẩn mình sâu trong núi rừng
3.3. Cầu treo Nà Làng
Cây cầu được nối từ bản Nà Làng đến thị trấn Bình Liêu, tọa lạc tại quốc lộ 18. Đây là điểm du lịch mới lạ và chưa được nhiều du khách biết đến. Hiện nay, cây cầu này đã xuống cấp nên bạn chỉ được phép đi bộ, chụp ảnh tại đây mà thôi.
3.4. Chợ tình Đồng Văn
Nếu đã đi du lịch Bình Liêu Quảng Ninh thì không thể bỏ qua chợ tình Đồng Văn – một nét đẹp văn hóa tại vùng cao này đâu nhé. Chợ tình Đồng Văn khác với các chợ tình ở Hà Giang (chợ tình Khâu Vai) hay chợ tình Sapa. Điểm nổi bật của phiên chợ này chính là chỉ diễn ra vào ngày Kiêng gió (4/4 âm lịch), duy nhất trong năm. Thời gian diễn ra từ sáng sớm đến khi trời tối mịch, tại thung lũng Đồng Văn, núi Cao Ba Lanh, xã Đồng Văn.
Mục đích chính của phiên chợ này là để các nam thanh nữ tú tìm đến nhau. Cuộc vui sẽ bắt đầu bằng lời ca tiếng hát, men say và màn đối đáp, giao lưu lẫn nhau.
3.5. Sống lưng khủng long
Sống lưng khủng long chỉ là cái tên được khách du lịch khi ghé thăm ở đây đặt cho. Điểm du lịch này có tên là dãy Bình Liêu, nằm tại thị trấn Bình Liêu có địa hình rất đặc sắc. Dãy Bình Liêu là con đường mòn hẹp, được kéo dài theo đỉnh núi Bình Liêu rồi đi qua các điểm mốc, từ đó tạo nên hình sóng lưng đầy khúc khuỷu. Nếu bạn đứng ở cột mốc 1304, sẽ ngắm trọn vẻ đẹp của cả vùng núi hoang sơ này.
3.6. Đình Lục Nà ở Bình Liêu
Ngôi đình Lục Nà vốn nổi tiếng và đông đảo du khách ghé thăm quan vì độ tâm linh. Đây là ngôi đền duy nhất có mặt tại huyện Bình Liêu với lịch sử xây dựng cũng khá lâu. Cứ vào ngày 16/1 âm lịch, lễ hội đình Lục Nà sẽ được diễn ra.
Đình Lục Nà ở Bình Liêu
3.7. Núi Kéo Lạn
Núi Kéo Lạn nằm ở độ cao 1200 mét so với mực nước biển, được xem là vẻ đẹp cao nguyên đá trên đất ở Bình Liêu. Bãi đá màu đen với nhiều hình thù, kích cỡ khác nhau chính là điểm nổi bật của núi Kéo Lạn. Được mệnh danh là “thiên đường đá đen” đầy kỳ bí nên thu hút được sự tò mò, vượt mọi khó khăn leo lên để ngắm nhìn. Tô điểm cho khung cảnh hoang sơ này lại là những bông hoa sim tím đua nhau bung sắc, đem lại một khung cảnh đẹp đến nao lòng.
Đường đến núi Kéo Lạn không phải dễ tìm, dưới đây là hướng dẫn đường đến núi Kéo Lạn dễ nhất:
- Xuất phát từ thị trấn Bình Liêu – Chợ Đồng Văn – Cung đường 1327 – Khu bảo tồn dược liệu.
- Đến tới khu bảo tồn dược liệu, bạn cần đi khoảng 1km nữa rồi gửi xe tại nhà dân. Sau đó, đi bộ để leo lên núi (mất khoảng gần 40 phút).
Núi Kéo Lạn – cảnh đẹp ở Bình Liêu
4. Những trải nghiệm nên thử khi đi du lịch Bình Liêu
Du lịch tại Bình Liêu du khách nhất định phải trải nghiệm qua thử các hoạt động mang nét văn hóa, đặc trưng riêng chỉ có tại vùng cao này thôi.
4.1. Tắm lá thuốc
Trải nghiệm đầu tiên bạn nên thử đó là tắm lá thuốc của người Dao. Tuy vẫn còn khá hoang sơ, chưa được tiện nghi như ở SaPa nhưng bạn cũng nên thử để có những trải nghiệm thú vị khác nhau. Tìm đến các homestay A Dào tại bản Phạt Chỉ hay Sống Xanh của bản Khe Tiền để được tắm lá thuốc.
4.2. Săn mây tại núi Cao Ly
Thời điểm thích hợp để săn mây tại núi Cao Ly là vào mùa xuân sau trận mưa phùn, ngọn núi có độ cao trên 1000m, tọa lạc tại vị trí xã Húc Động. Ngắm nhìn vẻ đẹp của những đám mây vào lúc sáng sớm cùng một chút ánh sáng len lỏi vào thì chuyến đi này thật sự trọn vẹn hơn rồi.
4.3. Đường tuần tra biên giới Bình Liêu
Đường tuần tra biên giới Bình Liêu hút hồn du khách bởi địa hình hiểm trở cùng sự thích tìm tòi, khám phá những miền đất mới lạ. Cung đường tuần tra này dài (50km) và dẫn lên tới cột mốc biên giới của Việt Nam – Trung Quốc.
Đi từ Bình Liêu theo hướng Nà Chuông rồi chạy thẳng là sẽ tới con đường này. Đường tuần tra biên giới ở Bình Liêu rất hiểm trở, một bên là vực sâu thẳm, còn một bên là vách núi. Cộng thêm vào đó là màn sương trắng xóa giữa rừng khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, nếu đã muốn thử sức chinh phục cung đường này, bạn cần hết sức lưu ý để đảm bảo an toàn cho chuyến đi nhé!
Cung đường tuần tra biên giới ở Bình Liêu
4.4. Homestay của người Dao
Các homestay tại Bình Liêu của người Dao chưa phát triển như các nơi khác. Tuy nhiên, nét đẹp giản dị và mộc mạc của homestay lại được du khách đánh giá khá cao. Các homestay của người Dao chủ yếu làm từ nứa, tre và gỗ.
5. Bình Liêu có món ăn đặc sản nào?
Dừng chân ở Bình Liêu, đừng quên lấp đầy bụng của bạn bằng các món ăn đặc sản chỉ có duy nhất tại đây thôi nhé:
5.1. Miến dong – đặc sản Bình Liêu
Miến dong là món ăn đặc sản tại Bình Liêu, miến có màu trầm, đậm màu xanh lục. Được làm từ củ dong của cây dong riềng, chủ yếu người dân ở đây sẽ đem đi xào với nấm, hải sản là chính. Ngoài ra, miến dong cũng được đem đi trộn hay xào với mề gà…
Miến dong Bình Liêu
5.2. Gà đen
Gà đen – món ăn có nguồn gốc từ người H’Mông. Gà đen chủ yếu chăn thả để chúng sống tự nhiên nên thịt của gà rất ngon, ngọt vị và có mùi vị rất đặc biệt. Đến Bình Liêu mà không thưởng thức món gà đen hấp, kho hay nướng mật ong thì không còn đậm hương vị nơi vùng cao này rồi.
Món ăn ở Bình Liêu – Gà đen
5.3. Cá suối nướng
Đâu cần phải đến các tỉnh ở Tây Nguyên hay Tây Bắc mới được thưởng thức món cá suối nướng. Cá suối chủ yếu ăn cỏ, phù du và râu nên thịt của cá sẽ không bị tanh. Món cá suối của Bình Liêu rất đa dạng, nào là cá trắm, cá trê, cá chạch… chiên cùng với dầu sở giúp cho món ăn dậy mùi thơm và cá vàng giòn hơn.
5.4. Phở xào
Thưởng thức món phở xào Bình Liêu đúng vị, du khách nên ghé qua xã Đồng Văn hoặc các homestay tại nơi lưu trú. Sợi phở được chế biến hoàn toàn thủ công, gạo phở được làm từ củ sắn nên sợi phở có mùi thơm và rất dẻo. Đem xào chung với thịt lợn, một ít tỏi băm là đã có ngay món phở xào đậm hương vị của Bình Liêu rồi đấy!
6. Gợi ý bạn lịch trình đi du lịch Bình Liêu tự túc 2024
Mách bạn lịch trình để đi du lịch Bình Liêu 2 ngày 1 đêm tự túc:
Ngày 1
Buổi sáng: Khởi hành đến Bình Liêu
Khởi hành từ Hà Nội – đi theo hướng Bắc Ninh – Quốc lộ 18 rẽ phải – Phả Lại – Cẩm Phả – Hoành Mô Bình Liêu.
Buổi trưa: Nghỉ ngơi
Sau chuyến đi dài, bạn nên nghỉ ngơi, ăn uống để lấy sức cho chuyến tham quan vào buổi chiều. Tại đây, bạn có thể nghỉ ngơi ở các homestay của người Dao rồi ăn các món ăn đặc sản của Bình Liêu.
Buổi chiều: Tham quan các điểm hấp dẫn tại Bình Liêu
Chinh phục các cột mốc như 1297 (nơi có cánh đồng cỏ lau đẹp mắt), 1300 ( cảnh Matcha Hills ấn tượng).
Gợi ý bạn lịch trình tham quan Bình Liêu 2 ngày 1 đêm
Buổi tối: Quay lại chỗ nghỉ
Trở về chỗ nghỉ, tắm rửa rồi ăn uống các món như cá suối, miến dong… Sau đó, bạn có thể đi dạo về đêm để cảm nhận được sự yên bình, không gian vắng lặng nơi đây.
Ngày 2
Buổi sáng: Ăn sáng và chinh phục nhiều cảnh đẹp
Du khách sau khi ăn sáng, tiếp tục hành trình chinh phục các cảnh đẹp ở Bình Liêu: Sống lưng khủng long ( có cột mốc 1305). Vì cột mốc 1305 này cũng nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, nên việc di chuyển cũng thuận tiện hơn.
Buổi trưa: Ăn uống, nghỉ ngơi
Sau khi dành cả một buổi sáng để chinh phục con đường leo núi, bạn nên ăn uống và nghỉ ngơi để chuẩn bị quay về Hà Nội.
7. Các lưu ý khi đi du lịch ở Bình Liêu
Khi đi du lịch Bình Liêu, du khách cần lưu ý đến các vấn đề sau:
- Vì ở Bình Liêu địa hình chủ yếu là đồi núi, nên du khách cần chuẩn bị hành trang và tinh thần tốt để vượt qua những con đường uốn cong, nguy hiểm.
- Nên chuẩn bị các vật dụng y tế, thuốc sát trùng, thuốc đau bụng… do ở đây điều kiện phát triển chưa tốt và nếu có thì sẽ rất ít các tiệm thuốc.
- Cần dự trữ đồ ăn nhẹ khi đi trên đường để đảm bảo không bị đói. Ngoài ra, đường đi khá dài và các hàng quán cũng không được xây dựng nhiều như ở Hạ Long nên bạn cần lưu ý điều này.
- Cung đường di chuyển đến các điểm tham quan ở Bình Liêu thường cách rất xa nhau nên việc dự trữ xăng là vô cùng cần thiết.
- Nếu ghé thăm nơi ở của người Dao, tuyệt đối không chế biến hay ăn các món ăn từ cho (vì họ có tục thờ chó)
- Không nên xả rác dọc các tuyến đường nhằm đảm bảo giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ và nâng cao ý thức của mỗi cá nhân hơn.
Bạn đã nắm rõ cho mình các thông tin để chuẩn bị cho chuyến du ngoạn ở Bình Liêu rồi chứ? Chúc bạn sẽ có chuyến đi đầy thú vị và có thật nhiều trải nghiệm ấn tượng!